Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp công tác quản lý bảo vệ rừng

Đăng lúc: 00:00:00 08/11/2018 (GMT+7)

Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp công tác quản lý bảo vệ rừng giữa Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông với các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình

 

     Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có tổng diện tích 16.982,6 ha thuộc địa bàn 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa (trong đó: huyện Bá Thước 12.446,0 ha; huyện Quan Hóa 4.536,6 ha); có chiều dài đường ranh giới tiếp giáp với các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình trên 100 km. Đặc điểm chủ yếu của vùng giáp ranh là rừng tự nhiên lá rộng thường xanh với các hệ sinh thái rừng nhiệt đới đặc trưng, còn tương đối nguyên vẹn, địa hình chia cắt mạnh, hiểm trở và xa khu hành chính. Tuy nhiên, thời gian qua công tác phối hợp, kết nối thông tin giữa các đơn vị, địa phương vùng giáp ranh thuộc tỉnh Hòa Bình chưa được thường xuyên, hoạt động phối hợp còn riêng lẻ, lực lượng chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng vùng giáp ranh.

     Được sự nhất trí của Chi cục Kiểm lâm 02 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, UBND 02 huyện Bá Thước và Quan Hóa, ngày 05/6/2018, tại văn phòng BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, đã tổ chức hội nghị ký kết quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông với các Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa, Bá Thước - tỉnh Thanh Hóa, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Ngọc Sơn - Ngỗ Luông của tỉnh Hòa Bình.

     Đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị:

Về phía Kiểm lâm vùng có ông Lê Duy Hượng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng 2.

     Về phía Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa có ông Lê Văn Mơn - Chi cục trưởng. Cùng với các đồng chí lãnh đạo, đại diện các phòng chuyên môn của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các đồng chí Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Quan Hóa và Bá Thước.

     Về phía tỉnh Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình có ông Lê Minh Thủy - Chi cục trưởng. Cùng với các đồng chí lãnh đạo, đại diện các phòng chuyên môn của chi cục kiểm lâm tỉnh, các đồng chí Hạt trưởng kiểm lâm các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Hạt trưởng Kiểm lâm rừng đặc dụng Ngọc Sơn - Ngỗ Lỗ Luông.

     Về phía BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có ông  Lê Đình Phương - Giám đốc kiêm Hạt trưởng. Cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo, trưởng các phòng chuyên môn, trạm kiểm lâm trực thuộc.

     Tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị còn có  các đồng chí lãnh đạo, đại diện UBND hai huyện Quan Hóa và Bá Thước.

     Mục đích của Quy chế để nâng cao kết quả phối hợp giữa các đơn vị ký kết nhằm kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực  quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phát triển rừng, quản lý lâm sản vùng ranh giới giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình.

Các bên tham gia đã cùng nhau ký Quy chế phối hợp dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình và lãnh đạo UBND hai huyện Quan Hóa và Bá Thước

     Nội dung chính của Quy chế là phối hợp trong công tác trao đổi thông tin; trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; trong công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và xử lý vi phạm.Định kỳ Hạt Kiểm lâm các huyện giáp ranh; Kiểm lâm địa bàn, Kiểm lâm viên tiểu khu các xã giáp ranh của hai tỉnh phối hợp tham mưu giao ban, sơ kết, tổng kết: Cấp xã 6 tháng/lần; cấp huyện 01 năm/lần theo hình thức luân phiên. 5 năm/lần các Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND các huyện vùng giáp ranh tiến hành Tổng kết, hoặc giao ban đột xuất tùy theo tình hình thực tế trên địa bàn nhằm đánh giá kết quả ưu, khuyết điểm trong công tác phối hợp, những khó khăn, vướng mắc để từ đó có biện pháp khắc phục cho hoạt động phối hợp có hiệu quả tốt hơn. Sau khi thảo luận, các bên đã thống nhất ký vào nội dung của Quy chế  phối hợp và sẽ cùng nhau thực hiện theo những nội dung đã ký kết.

     Hy vọng sau một thời gian thực hiện Quy chế phối hợp, rừng ở vùng giáp ranh của hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình được bảo vệ tốt hơn, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản và săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn vùng giáp ranh  sẽ giảm đáng kể, an ninh rừng được ổn định./.